Phật là danh từ chung, nói cho đủ là Phật-đà, nói gọn lại là Phật. Phật là người giác ngộ, là người tỉnh thức, là người vì lợi ích tha nhân, vì sự sống của con người, giúp cho mọi người biết cách làm chủ bản thân, tin sâu nhân quả, tin chính mình chủ của bao điều họa phúc.
Trước khi thành Phật, Ngài là hoàng thái tử chuẩn bị kế thừa ngôi vua ở đất nước Ấn Độ. Ý thức được sự khổ đau của nhân loại vì bị sinh – già – bệnh – chết, Ngài chấp nhận từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ, để ra đi tìm cầu chân lý, giúp cho mọi người thoát khỏi sinh - già – bệnh – chết.
Sau 5 năm học và tu với hai vị đạo sư nổi tiếng thời bấy giờ. Ngài vẫn không hết được phiền muộn, khổ đau do tham – sân – si chi phối. Nghe nói lối tu khổ hạnh ép xác, hành hạ thân thể sẽ thành tựu đạo quả, nên Ngài kiên trì, bền bỉ thực hành liên tục sáu năm, cho đến khi thân thể chỉ còn lại da bọc xương, và cuối cùng Ngài ngất xỉu.
Nhờ một cô thôn nữ cúng dường bát sữa, Ngài tỉnh lại và tìm ra lối tu trung đạo, ăn uống vừa đủ để nuôi sống thân này, và dùng trí tuệ để phá tan vô minh phiền não. Cuối cùng, Ngài đã biết cách làm chủ bản thân, an nhiên, tự tại giải thoát, không còn bị mọi dục vọng trên cõi đời này làm lung lạc, và thành Phật.
Điểm đặc biệt ở đây là, Ngài là một con người bằng xương bằng thịt, giống như tất cả mọi người chúng ta. Ngài cũng được sinh ra từ bụng mẹ, lớn lên Ngài vẫn có vợ, có con như tất cả mọi người. Ngài là một con người đi tu, và cuối cùng thành Phật để cứu độ chúng sinh. Chúng ta cũng là con người, nếu ai chịu tu theo lời Ngài chỉ dạy, thì cũng sẽ thành Phật trong tương lai.
Trong các bản kinh Ngài thường nói rằng “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ai trong chúng ta đều có khả năng thành Phật như Ngài, bởi vì Phật là tánh biết sáng suốt ngay nơi thân mỗi người, chỉ vì chúng ta chẳng chịu thừa nhận, nên đời đời kiếp kiếp sống trong đau khổ, lầm mê. Phật là con người như tất cả mọi người, vẫn sống làm việc, phục vụ vì lợi ích chúng sinh, không tham lam, sân hận, si mê, dính mắc như người đời.
Thế cho nên, trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Bồ-tát Thường Bất Khinh dù bị người mắng chửi, đánh đập, nhưng vẫn không buồn, không giận, không oán, không ghét, mà còn nói rằng “tôi không dám khinh các người, vì các người đều sẽ thành Phật”. Bồ-tát Thường Bất Khinh suốt cả cuộc đời chỉ làm một việc nhắc nhở mọi người đều có tính Phật sáng suốt.
Thực tế cho chúng ta thấy, đức Phật là người dám buông xả hết tất cả những gì thế gian mong muốn, để dấn thân đóng góp, phục vụ, giúp đỡ, sẻ chia không biết mệt mỏi, nhàm chán bằng trái tim yêu thương, hiểu biết, giúp con người biết cách làm chủ bản thân, cùng nhau chia vui sớt khổ bằng tình người trong cuộc sống.
Về khía cạnh tâm linh. Phật giúp cho ta nhận ra tính biết sáng suốt đang tiềm ẩn nơi mỗi người, nương nơi mắt thì thấy rõ ràng không lầm lẫn, thấy tức là biết, biết mà không dính mắc, không bị dòng đời cuốn trôi, vậy không phải Phật tính là gì? Tai - mũi – lưỡi – thân – ý cũng lại như thế, ai nhận ra và trở về sống với chân tâm của mình thì đời đời kiếp kiếp sẽ thoát khỏi kiếp sống trong đau khổ lầm mê.
Thích Đạt ma Phổ Giác
Nguồn http://phatgiaovietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập :
3
Hôm nay :
409
Tháng hiện tại
: 5544
Tổng lượt truy cập : 507163